Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng việc bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với các luật có liên quan cần được đặc biệt quan tâm.
Điểm nghẽn cản trở sự phát triển
Sáng 8/4, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức hội thảo “Đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với hệ thống pháp luật”.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật lớn, phức tạp, có liên quan chặt chẽ tới nhiều luật khác nhau. Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu về dự án Luật này, Chính phủ đã tiếp thu ý kiến các đại biểu, chỉnh lý bước đầu, tổ chức lấy ý kiến nhân dân trên phạm vi cả nước.
Các nội dung của dự án Luật nhận được sự quan tâm rất lớn của các tầng lớp nhân dân, các cơ quan tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, nhiều ý kiến đóng góp nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa Luật Đất đai (sửa đổi) với các luật khác trong hệ thống pháp luật.
Từ khảo sát thực tiễn thi hành pháp luật về đất đai gắn với hoạt động đầu tư kinh doanh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, còn có sự chồng chéo, thiếu đồng bộ, thống nhất giữa Luật Đất đai với các luật liên quan, là điểm nghẽn cản trở sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.
Để có thêm thông tin phục vụ công tác thẩm tra, tiếp thu chỉnh lý nhằm đảm bảo dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đạt chất lượng cao, Ủy ban Pháp luật tổ chức hội thảo về vấn đề bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của Luật Đất đai với hệ thống pháp luật nhằm tạo diễn đàn để trao đổi, thảo luận sâu về các vấn đề còn chồng chéo, thiếu đồng bộ, thống nhất trong Dự thảo Luật sửa đổi này.
Qua hội thảo góp phần giúp nhìn nhận rõ ràng, cụ thể những vướng mắc, chồng chéo, bất cập trong dự thảo Luật để có những giải pháp hợp lý, chỉnh lý cụ thể, đảm bảo dự thảo Luật đạt chất lượng cao để chuẩn bị trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới.
Theo Ủy ban Pháp luật, với vị trí, vai trò quan trọng của Luật Đất đai trong hệ thống pháp luật - là đạo luật có mối quan hệ chặt chẽ với quy định của nhiều luật khác. Đây cũng là đạo luật phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường.
Do vậy, việc bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với các luật có liên quan như: Bộ Luật Dân sự, Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu...cần được đặc biệt quan tâm nhằm tạo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ có liên quan đến đất đai, tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Đảm bảo minh bạch trong hệ thống pháp luật
Quan tâm đến vấn đề về áp dụng pháp luật, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Hải chỉ ra, về nguyên tắc, chế độ sử dụng đất theo nghĩa rộng bao gồm 4 nội dung: Cơ chế pháp lý về giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân; cơ chế pháp lý về điều kiện sử dụng đất; Cơ chế pháp lý về quyền, nghĩa vụ và thực hiện quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất; và cơ chế pháp lý về đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất (đăng ký lần đầu và đăng ký biến động).
Trong khi đó, nguyên tắc áp dụng pháp luật quy định tại Điều 4 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa bao quát được các vấn đề pháp lý liên quan đến áp dụng pháp luật đối với tài sản gắn liền với đất, lợi ích tài sản khác hình thành từ thực hiện quyền sử dụng đất và quan hệ giao dịch giữa người sử dụng đất với chủ thể khác liên quan đến chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Liên quan đến nội dung hợp đồng về quyền sử dụng đất, khoản 1 Điều 501 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, quy định chung về hợp đồng và nội dung của hợp đồng thông dụng có liên quan trong Bộ luật Dân sự cũng được áp dụng đối với hợp đồng về quyền sử dụng đất, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Đề xuất giải pháp cho nội dung này, ông Nguyễn Hồng Hải đề nghị bổ sung nguyên tắc áp dụng pháp luật liên quan đến tài sản gắn liền với đất, lợi ích tài sản khác hình thành từ thực hiện quyền sử dụng đất và nguyên tắc áp dụng pháp luật về xác lập, thực hiện hợp đồng, giao dịch trong thực hiện các quyền về chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Đóng góp ý kiến, PGS.TS Nguyễn Minh Hằng, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp nhấn mạnh, quyền sử dụng đất gắn liền với đất đai nên các giao dịch về quyền sử dụng đất được áp dụng Luật Đất đai trong mối quan hệ với quy định của Bộ luật Dân sự và các luật chuyên ngành có liên quan điều chỉnh về sở hữu, giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Quan hệ pháp luật đất đai không chỉ chịu sự điều chỉnh của Luật Đất đai với tư cách là Luật chuyên ngành mà còn chịu sự điều chỉnh của BLDS với tư cách là luật chung và nhiều luật chuyên ngành có liên quan như Luật Nhà ở, Luật xây dựng, Luật quản lý tài sản công, Luật kinh doanh bất động sản…
Các văn bản quy phạm pháp luật này được ban hành ở những thời điểm khác nhau, do nhiều cơ quan chủ trì xây dựng dẫn đến còn nhiều mâu thuẫn, thống nhất và chưa đồng bộ.
Nhằm khắc phục một số điểm chưa thống nhất, còn vướng mắc, khó khăn trong quy định của Luật Đất đai hiện hành. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn quản lý, sử dụng đất đai và phát triển kinh tế xã hội trong thời kỳ mới, cần đánh giá tổng quan các quy định của Bộ Luật Dân sự năm 2015 và một số luật chuyên ngành có liên quan để bảo đảm tính khả thi, ổn định, tính khái quát, hệ thống, tính dự báo và minh bạch trong hệ thống pháp luật.
Phát biểu kết luận hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng ghi nhận các ý kiến tại hội thảo, Ủy ban sẽ tổng hợp đầy đủ, nghiêm túc nghiên cứu ý kiến của các đại biểu, trên cơ sở đó phối hợp với Thường trực Ủy ban Kinh tế, cơ quan chủ trì dự án Luật này tiếp tục thẩm tra, tiếp thu chỉnh lý để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.