27/06/2023

LUẬT KINH DOANH BĐS SỬA ĐỔI ĐỂ QUẢN LÝ CHẶT THỊ TRƯỜNG

LUẬT KINH DOANH BĐS SỬA ĐỔI ĐỂ QUẢN LÝ CHẶT THỊ TRƯỜNG

Chiều 23/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về những quy định trong dự thảo luật còn quá “mỏng”, thiếu chi tiết, chưa thể điều tiết thị trường bất động sản.

Xóa bỏ tư duy... không buôn gì lãi bằng buôn đất

Băn khoăn rằng, luật này được xây dựng còn "mỏng", chưa thể điều tiết thị trường bất động sản (BĐS), ĐBQH Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) cho rằng, thị trường BĐS luôn rình rập tình trạng “sốt nóng” hay “đóng băng” và nó xảy ra thường xuyên theo chu kỳ từ những năm 1990 trở lại đây. Cả 2 trường hợp này xảy ra đều ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế.

Ông Khải phân tích: Nếu chính sách của Nhà nước không điều tiết kịp thời có thể gây khủng hoảng đến tài chính và cao hơn là khủng hoảng kinh tế. Thậm chí, rất nhiều doanh nghiệp (DN) BĐS hiện nay đang đứng trước bờ vực phá sản, cho nên việc xây dựng chính sách đối với thị trường này rất quan trọng. Nghị quyết số 18/NQ-TW đã nêu một điều quan trọng, đó là chúng ta phải quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất và các tài nguyên khác. Tuy nhiên, hiện nay trong quy định, thể chế chưa cụ thể và chúng ta chưa điều tiết được thị trường BĐS.

“Cử tri mong muốn sửa đổi Luật Kinh doanh BĐS lần này làm sao xóa bỏ được tư duy “không buôn gì lãi bằng buôn đất” và làm sao để cho người nghèo không nghèo hơn vì BĐS, tức là chúng ta phải điều tiết thị trường này như thế nào cùng với các luật khác”-ông Khải nói.

ĐB Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) đề nghị, dự thảo luật cần tiếp tục rà soát các quy định nhằm đảm bảo thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng. Đặc biệt là Nghị quyết 18 và Nghị quyết 11 để hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển và quản lý chặt chẽ thị trường BĐS, quyền sử dụng đất, đảm bảo an toàn, ổn định, vận hành thông suốt cho thị trường BĐS và các thị trường có liên quan như thị trường về tiền tệ, tín dụng...

Về nguyên tắc kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai, ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) cho rằng, cần cân nhắc cho phép chủ đầu tư nhận đặt cọc từ khách hàng và bổ sung quy định về giới hạn tối đa số tiền đặt cọc để tránh việc các chủ đầu tư lạm dụng hình thức đặt cọc nhằm huy động chiếm dụng vốn của khách hàng trong thời gian dự án chưa hoàn tất các điều kiện mở bán.

ĐBQH Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) cũng đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm một điều quy định giới hạn giao dịch về BĐS hình thành trong tương lai nhằm góp phần điều tiết và bình ổn thị trường BĐS, có thể kiểm soát thông qua phòng công chứng.

Đảm bảo chặt chẽ giao dịch bất động sản

Vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của các ĐB xoay quanh quy định về sàn giao dịch BĐS. Theo nhìn nhận của ĐB Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu), các quy định về sàn giao dịch BĐS của dự thảo luật đã thu hút sự quan tâm liên quan đến việc quy định các giao dịch BĐS phải thông qua sàn giao dịch BĐS. Sàn giao dịch BĐS cần đảm bảo chặt chẽ việc hoạt động chuyên nghiệp, an toàn.

Còn theo ĐB Lưu Bá Mạc (đoàn Lạng Sơn), về giao dịch BĐS thì đưa quy định này vào trong dự thảo luật nhằm tăng cường kiểm soát, công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi người dân trong giao dịch BĐS nhưng không làm ảnh hưởng đến quyền tự do trong hoạt động, phương thức giao dịch BĐS của người dân.

Tuy nhiên, ông Mạc đề nghị làm rõ thêm sàn giao dịch BĐS ở đây là bao gồm sàn giao dịch trực tiếp hay cả sàn giao dịch trực tuyến? Kiến nghị cân nhắc, bổ sung thêm một phương án mở hơn là theo hướng phân loại, phân khúc các loại giao dịch BĐS.

Nói như lời ĐB Phạm Đức Ấn (đoàn Hà Nội) thì: “Việc quy định các giao dịch BĐS phải thông qua sàn giao dịch BĐS nhận được sự quan tâm rất lớn. Chính phủ đã có giải trình về vấn đề này. Giao dịch BĐS phải thông qua sàn giao dịch, khiến chi phí rất lớn. Cho nên cần thống kê cụ thể để kiểm soát chi phí qua sàn BĐS”.

Theo ĐB Điểu Huỳnh Sang, sàn giao dịch BĐS làm sao cho phù hợp, không để trở thành điểm nghẽn, đảm bảo an toàn lành mạnh cho thị trường, phù hợp với Bộ luật dân sự. Nghĩa vụ của sàn phải bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, quy dịnh rõ giữa giao dịch qua sàn với công chứng, cấp giấy chứng nhận bảo đảm quyền lợi cho người mua. Thống nhất với Luật Nhà ở, Luật Đất đai sửa đổi, không tạo kẽ hở trong chính sách.

Cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Nhiều ĐB bày tỏ quan điểm đồng tình và thống nhất với việc ban hành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Việc xây dựng luật là thực sự cần thiết nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật quân sự, quốc phòng. Theo ĐB Đặng Văn Lẫm (đoàn TPHCM), công trình quốc phòng và khu quân sự là tài sản nhà nước được giao cho quân đội và chính quyền địa phương các cấp tổ chức xây dựng, sử dụng, quản lý, bảo vệ để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công trình còn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, chuẩn bị cho đất nước ngay từ thời bình, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống xảy ra, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bình luận của bạn