Ngày 21/3, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức lễ ký hợp đồng gói vay trị giá 120 triệu USD. Quen thuộc ở vai trò bắc cầu vốn, SHB góp thêm một điển hình cụ thể trong dòng chảy sôi động thời gian gần đây.
Nửa cuối năm 2022 đầu năm 2023, hoạt động ngân hàng Việt Nam tiếp tục ghi nhận hướng mở rộng quy mô dòng chảy vốn tài trợ thương mại, nguồn tín dụng trung và dài hạn đến từ các định chế tài chính nước ngoài. Thị trường và nhu cầu vốn của doanh nghiệp đón thêm những nguồn lực mới để nắm cơ hội phục hồi sau đại dịch Covid-19, cũng như sau những khó khăn thử thách thể hiện từ nửa cuối năm 2022.
Cùng với gói vay 120 triệu USD nói trên, IFC dự kiến sẽ cung cấp thêm hạn mức bảo lãnh tài trợ thương mại 75 triệu USD cho SHB trong khuôn khổ Chương trình Tài trợ Thương mại Toàn cầu (GTFP). Trước đó, VPBank và SeABank cũng đã nhận khoản vay lần lượt 150 triệu USD và 100 triệu USD từ IFC. Tương tự, một số khoản vay quốc tế đã được các ngân hàng Việt bắc cầu từ trong năm 2022.
Bên cạnh các cân đối nội tại, dòng chảy từ các định chế tài chính nước ngoài nói trên tạo nguồn lực bổ sung quan trọng cho các ngân hàng thương mại trong nước, góp phần nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp, đặc biệt ở khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs).
Trong điều hành chính sách tiền tệ, ngay từ đầu năm 2023 Ngân hàng Nhà nước đã có tín hiệu nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn, với định hướng khoảng 14-15% thay vì chỉ 14% những năm trước. Đầu tháng 3 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã phát tín hiệu đẩy mạnh hỗ trợ khi giảm khá mạnh một số lãi suất điều hành.
Trên thị trường, sau biến động cuối năm 2022, lãi suất huy động đã có xu hướng bình ổn rõ rệt thời gian gần đây; nhiều ngân hàng thương mại đã lần lượt giảm dần lãi suất cho vay, mở các chương trình ưu đãi quy mô lớn…
Ở kênh bắc cầu vốn quốc tế, bên cạnh yếu tố nguồn, một thuận lợi được giới chuyên gia nhấn mạnh có từ thời điểm tháng 9/2022, khi Moody’s nâng xếp hạng của Việt Nam từ Ba3 lên Ba2, với triển vọng ổn định; và trước nữa S&P nâng xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam lên mức BB+. Hạng mức tín nhiệm quốc gia tốt hơn, chi phí tiếp cận vốn quốc tế có cơ sở để hợp lý hơn.
Tại lễ ký với IFC vừa qua, bà Ngô Thu Hà - Tổng Giám đốc SHB cho biết, một đặc điểm của dòng vốn này là lãi suất hợp lý để có thêm điều kiện hỗ trợ, ưu đãi các doanh nghiệp SMEs của Việt Nam - điểm đến chính của các khoản vay quốc tế, gồm các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và những doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng.
Bà Ngô Thu Hà cho biết thêm, một giá trị nổi bật như ở các khoản mà SHB bắc cầu thời gian qua và hiện nay nằm ở cơ cấu kỳ hạn thuận lợi, trung và dài hạn từ 3-5 năm.
"Với đặc thù thị trường Việt Nam, nguồn vốn huy động của các ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, trong khi nhu cầu sử dụng vốn trung và dài hạn của các doanh nghiệp rất lớn. Do đó, việc huy động được nguồn trung và dài hạn từ các tổ chức tài chính quốc tế là vô cùng hữu ích. Dòng vốn này sẽ giúp ngân hàng ổn định hơn trong cấu trúc nguồn, tăng cường thanh khoản và linh động hơn trong cơ cấu vốn", Tổng Giám đốc SHB nhấn mạnh.
Ở một khía cạnh khác, những điển hình bắc cầu vốn nói trên cho thấy năng lực và uy tín của các ngân hàng thương mại Việt Nam đang ngày một nâng cao để đáp ứng các chuẩn mực, điều kiện thẩm định chặt chẽ của các định chế tài chính quốc tế trong tiếp cận những nguồn vốn này.